Chim Việt Cành Nam          [  Trở Về   ]

Khoa Cử Việt Nam - THI HỘI THI ĐÌNH
-
PHẦN II - THI ĐÌNH

CHƯƠNG BẢY

LỀ TRUYỀN LÔ - VĂN BẰNG - BIA TIẾN SĨ
-
Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Ðỗ thi Ðình là đạt đỉnh cao của Khoa mục, danh giá vô cùng cho nên lễ Truyền lô được tổ chức hết sức long trọng ở điện đình (Truyền = đọc to lên cho mọi người cùng nghe ; lô = chúng, nhiều người, người nọ bảo người kia). Sau khi quan Truyền lô đọc họ tên, quê quán người đỗ, một số vệ sĩ lần lượt nhắc lại để mọi người ở xa cũng nghe rõ (1).

Thời Trần chưa rõ có lễ Truyền lô chưa nhưng lễ Truyền lô thời Lê thường diễn ra ở điện Kính-thiên, nhà Nguyễn tổ chức lúc đầu ở điện Thái-hòa, sau ở Ngọ môn.

Sau lễ Truyền lô, bảng vàng mang tên các Tân khoa Tiến sĩ được đem yết mấy ngày. Thời Lê, yết ở ngoài cửa Ðông-hoa, Ðình Quảng Văn hay cửa nhà Thái học (Thăng-long) ; thời Nguyễn, ở Phu Văn Lâu (Huế), bảng Chánh Trúng cách (cũng gọi là Long bảng, Bảng rồng, Giáp bảng)mầu vàng, ghi tên những người đỗ Tiến sĩ, Ất bảng mang tên các Phó bảng thì mầu đỏ.

Sau đó các Tân khoa được cấp văn bằng, được ghi danh vào sổ những người đỗ (Danh tịch) và, kể từ khoa 1442, tên được khắc trên Bia Tiến sĩ.

I - LỀ TRUYỀN LÔ - YẾT BẢNG
A- THỜI LÊ

Chưa biết đích xác lệ Truyền lô có từ bao giờ. Khoa Mục Chí chỉ cho biết khoa 1256 cho những người đỗ Tam khôi ra cửa Long-môn Phượng-thành đi chơi ba ngày, nhưng không nói tới Truyền lô.

Nhờ văn bia Tiến sĩ nên ta biết rõ lễ Truyền lô về thời Lê thường diễn ra ở điện Kính-thiên. Nguyễn Triệu Luật, trong Chúa Trịnh Khải, viết là ở Lầu Ngũ long, "gọi các Tân khoa vào điện Quang-minh lĩnh mũ áo" (2).

1442 Ngày 2 tháng 2 thi văn sách ở điện Hội-anh, hôm sau xướng danh, yết bảng.

1463 Ngày 16/2 thi văn sách, 22/2 Truyền loa xướng danh các Tiến sĩ ở diện Kính-thiên và ban ân mệnh, sai quan Lễ bộ đem bảng vàng treo ở cửa Ðông-hoa.

1481 Triệu các Tiến sĩ vào sân rồng, Hồng-lô-tự truyền chỉ xướng danh. Lại bộ ban ân mệnh. Lễ bộ nổi âm nhạc rước bảng vàng yết ngoài cửa Ðông-hoa.

1487 Ngày 7/4 hỏi sách vấn rồi đòi ưu hạng vào cửa Nguyệt-quang xem dung mạo, ngày 4/5 Xướng danh ở điện Kính-thiên, bảng vàng yết ở cửa Ðông-hoa.

1502 Xướng danh ở điện Kính-thiên, bắt đầu treo bảng vàng ở cửa nhà Thái học.

1529 Ngày 18/2 Hoàng thượng (Mạc Ðăng Dung) ngự thi Ðiện, 24/2 Truyền lô ở điện Kính-thiên, bảng vàng yết ở cửa nhà Thái học.

1623 Thu phục kinh thành sau biến cố nhà Mạc, treo bảng thi Hội ở Ðình Quảng Văn (3). Khoa ấy không treo bảng vàng thi Ðiện vì Nguyễn Trật, người làng Nguyệt-viên, mượn người làm bài hộ, việc phát giác, vương không bằng lòng cho treo bảng (4).

1650 Truyền lô ở cửa điện Kính-thiên, bảng vàng yết ở nhà Quốc học.

1652 Ngày 26/4 thi Ðiện, 8/5 Truyền lô ở cửa điện Kính-thiên, bảng vàng yết ở cửa nhà Thái học.

* Nghi thức (1664) :

Sáng sớm hôm ấy, Thượng thiết ty đặt ngai vua ở chính giữa cửa điện Thị triều, đặt hương án ở trước ngự tọa, đặt ngự tọa của chúa ở bên tả điện Thị triều. Thừa dụ cục đặt cái bàn để bảng vàng ở bên tả sân rồng (hơi về phía trên). Nghi chế ty và Tự ban đặt bảng vàng lên trên bàn. Hai viên Thiên bách hộ mang hai lọng đứng ở hai bên bảng. Tráng sĩ các ty vệ đứng hộ vệ theo nghi thức. Một viên Truyền chế (dùng chức Thị lang) đứng ở bên tả sân rồng (hướng về bên hữu), một viên xướng danh (dùng chức Hồng lô tự khanh), một viên dẫn bảng vàng (dùng quan Lễ bộ), hai viên mang bảng vàng (dùng chức Tự ban), đều đứng ở bên tả sân rồng (hướng về bên hữu), một viên Nghi chế ty đứng ở bên hữu sân rồng (hướng về bên tả). Hồi trống nghiêm đầu, các đại thần văn võ tiến vào chầu, đều mang phẩm phục đứng sắp hàng ở ngoài cửa Ðoan môn. Các viên chấp sự vào trước, người nào giữ việc nấy. Hồi trống nghiêm thứ hai, Vua lên ngồi trên điện, Tự ban dẫn các viên đại thần văn võ vào đứng xếp hàng ở hai bên sân rồng. Các quan triều yết thì đứng ở ngoài cửa Ðoan môn. Hồi trống nghiêm thứ ba, Tự ban dẫn các viên Tiến sĩ vào đứng ở hàng cuối bên hữu sân rồng (hướng về phía Bắc). Tiếng chuông nổi. Vua đội mũ xung thiên, mặc áo bào vàng, đai ngọc, lên ngự tọa ở điện Thị triều ; Chúa đội mũ xung thiên, mặc áo bào tía, đai ngọc, lên ngự tọa ở bên tả điện. Vút roi (= yên lặng). Chuông thôi đánh. Cáp môn xướng :"Bài ban, ban tề, cúc cung bái (5 lạy 3 vái), hưng, bình thân !". Quan Truyền chế đến giữa ngự đạo quỳ tâu :"Tấu Truyền chế", rồi phủ phục, vẫn quỳ. Quan Tư lễ giám đem tờ chế giao cho quan Truyền chế, viên này nhận lấy, đứng dậy, lui ra đứng tựa về phía Ðông rồi nói :"Hữu chế". Cáp môn xướng :"Bách quan giai quỵ !". Quan Truyền chế đọc :"Hoàng thượng chế rằng :'Khoa mục mở rộng, nhân tài đều tiến' ". Ðọc xong lại đem tờ chế đến giữa ngự đạo, quỳ dâng lên. Quan Tư lễ giám nhận lấy tờ chế. Quan Tuyên chế đứng dậy, lui về chỗ cũ. Cáp môn xướng :"Phủ phục, hưng, bình thân !". Quan Ðại trí từ đến giữa ngự đạo quỳ xuống. Cáp môn xướng :"Bách quan giai quỵ !". Quan Ðại trí từ tâu :"Vận hội văn hóa rất thịnh, người tài giỏi ra nhiều, dâng lên chúc mừng". Tâu xong phủ phục, đứng lên, lui về chỗ cũ. Cáp môn xướng :"Phủ phục, hưng, cúc cung bái (5 lạy), hưng, bình thân !". Lại xướng :"Bách quan phân ban thị lập !". Quan Hồng lô tự khanh đến giữa ngự đạo quỳ tâu :"Tấu xướng danh" rồi phủ phục, đứng lên, lui ra đứng bên án để bảng (hơi về phía trên). Tự ban mang bảng vàng đứng tựa về phía Ðông. Xướng danh xong, Tự ban dẫn các Tiến sĩ vào quỳ giữa ngự đạo. Quan Lễ bộ đến giữa ngự đạo quỳ xuống đọc :"Niên hiệu, năm, tháng, ngày, bọn chúng tôi phụng sắc cho đỗ Ðệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ mấy người, họ, tên ; Ðệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân mấy người, họ, tên ; Ðệ tam giáp Ðồng Tiến sĩ xuất thân mấy người, họ, tên". Ðọc xong phủ phục, đứng lên, lui về chỗ cũ. Quan Lễ bộ cùng Tự ban mang bảng vàng từ cửa bên tả sân rồng đi ra, trống và nhạc đi trước, các Tiến sĩ đi theo sau, rước đến cửa nhà Thái học treo lên. Nghi chế ty đến giữa ngự đạo quỳ tâu :"Lễ tất". Vua đứng dậy, nhạc nổi. Vút roi. Nhạc nghỉ. Chúa về nội phủ. Các quan văn võ lần lượt lui ra" (5).

B - THỜI NGUYỄN

1822 Khoa đầu, đặt Ðại triều nghi ở điện Thái-hòa, làm lễ Truyền lô. Bảng vàng treo ở Phu Văn Lâu 3 ngày rồi cất ở Quốc tử giám.

Năm Minh-Mệnh 3 định lệ : Ngày Truyền lô các quan Khâm mệnh (2 Duyệt quyển) làm lễ phục mệnh. Các quan Ðọc quyển truyền cho các Tiến sĩ vào dinh thự công văn, ban mũ áo. Các Tiến sĩ quỳ lĩnh, mặc vào rồi theo bộ Lễ đến trước sân điện quỳ xuống, ngoảnh mặt hướng Bắc (hướng vào điện). Quan Khâm mệnh tuyên đọc danh sách, truyền lô, lĩnh chỉ vua, đem bảng vàng tới Phu Văn Lâu treo 3 ngày (6).

1826 - Ngày Truyền lô, quan Truyền chế lĩnh chỉ tuyên đọc xong, bộ thần lại tâu, lễ xong đợi xa giá về cung mới cho viên Hộ bảng do con đường giữa sân đệ ra, treo lên.

1829 Khoa trước bảng vàng đóng ấn "Hoàng đế chi bảo", xin đổi dùng ấn "Khâm văn chi tỷ".

1832 Truyền lô gọi loa xong, quan Khâm mệnh làm lễ tâu trình mọi việc thì tấu bản nhạc "Doãn bình", quan Truyền lô lần lượt gọi tên xong, các Tiến sĩ làm lễ tạ ơn, tấu bản nhạc "Xiển bình" (7).

1843 Lệ cũ khi Truyền lô đem danh sách lấy đỗ ra tuyên. Khoa này đổi : sai đem bảng vàng ra tuyên (2 viên Nội các mang bảng vàng, quan Truyền lô đứng tuyên).

1853 Ðến ngày ấy ở Ngọ môn truyền loa xướng danh, các viên sung vào việc thi Hội, thi Ðiện, chiếu theo ban đến lạy. Các hoàng thân, trăm quan, dự sung vào việc thi đều mặc triều phục đứng theo ban chầu, miễn cho việc lạy.

II - VĂN BẰNG - BIA TIẾN SĨ
A  - VĂN BẰNG

Ở Trung quốc, sau lễ Truyền lô, tên các Tiến sĩ được yết trên Long bảng, nhưng không được chính thức ghi chép, thường do các tư gia chép lại trong Khoa Mục Ký, mãi đến năm 818 mới có sắc lệnh cho Viện Hàn lâm phải chép tên những người đỗ cho có thứ tự (8).

Theo Thực Lục, ở Việt-Nam "ngày trước các Cử-nhân, Tiến sĩ ngoài danh sách được nêu trên bảng treo tạm thời, sau khi thi đỗ chỉ được ghi tên trong sổ khoa thi (Danh tịch) chứ không phát văn bằng" (9), gọi là Sắc khoa tự của vua ban công nhận đã đỗ Tiến-sĩ (10).

Sự thực, văn bằng có khi phát, có khi không :

1733 Lệ cũ Tiến sĩ vinh quy rồi lại về Kinh ứng chế, có hợp cách mới cho văn bằng. Ðời Bảo-thái bỏ lệ ấy, nay lại thi hành.

Thời Nguyễn, xét theo những sắc chỉ của vua Thiệu-Trị và vua Tự-Ðức ban cho hai anh em ông Tiến sĩ Hoàng Ðình Chuyên và Hoàng Ðình Tá (11) thì rõ ràng có phát văn bằng.

B - BIA TIẾN SĨ

Ðể khuyến khích Nho gia, từ thời Lê Thánh Tông đã khắc tên các Tiến sĩ vào bia đá để vinh danh, lưu truyền hậu thế. Những người phạm tội nặng thì tên trên bia bị đục đi : Năm 1787, vua Chiêu-Thống phạt tội những người theo Tây Sơn, sai đục tên Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích (12) ; khi Gia-Long mới lên ngôi sai đục tên các chúa Trịnh trên bia Tiến sĩ ở Văn miếu Thăng-long để hủy diệt mọi vết tích họ Trịnh (13) ; năm 1867, vua Tự-Ðức sai đục tên Phan Thanh Giản vì tội đã ký nhường ba tỉnh miền Tây cho Pháp (14) ; năm 1874 thự Tổng đốc Bùi Thúc Kiên để bốn tỉnh thất thủ bị tội trảm giam hậu, tước bỏ tên trên sổ Tiến sĩ, và trên bia Tiến sĩ (15)...

Chính là nhờ những bài văn khắc trên bia mà ngày nay chúng ta có được một số chi tiết về các khoa thi Tiến sĩ thời Lê và Nguyễn. Lê Cao Lãng đã sao chép những bài văn bia thời Lê trong Lê triều lịch khoa Tiến sĩ đề danh bi ký (16).

1 - BIA TRUNG QUỐC

Từ năm 705/7, đời Ðường, sau bữa yến vườn hạnh, các Tiến sĩ bắt đầu được khắc tên vào bia Tháp Nhạn, ở chùa Từ Ân, huyện Tràng-an, tỉnh Thiểm-tây. Cử người nào chữ tốt trong niên bảng viết. Sau đó ai có sự nghiệp làm tướng văn, tướng võ, đáng ghi thì sai người lấy son chép thêm vào bên cạnh tên.

Lê Quý Ðôn từng đi sứ sang Trung quốc, đã nhận xét : "Bia (Trung quốc) đá tuyệt không có ngấn, nhưng không dầy, chỉ độ 2, 3 tấc. Chân con rùa đội bia cách đất không cao mấy, chữ khắc to và sâu. Trên đầu và ba mặt nhà bia đều lợp ngói ống, ngoài lại trát vôi sạch sẽ, người ta tu bổ luôn. Bia nước ta chữ đã nhỏ, khắc lại nông. Chân rùa cao, không che lợp, dầm mưa, dãi gió, rêu mọc đặc cả, lâu ngày không còn đọc được chữ gì. Thợ Trung quốc chọn đá rất sành, tuyệt không có ngấn, đục rất khéo, công lại rẻ. Tạc một tấm bia chỉ tốn vài lạng bạc, không như ở nước ta tạc một bia Tiến sĩ mất đến hơn 100 quan tiền" (17).

Phải nói thêm rằng nước ta tuy bia xấu kém nhưng người viết chữ đẹp thì không thiếu. Sử Ký Toàn Thư chép năm 1513 sứ nhà Minh sang nước Nam đã lùng tìm người viết chữ tốt đem về nước để viết bia trắng, tức là bia chưa khắc (18).

2 - BIA VIỆT NAM 

a - Bia dựng thời Lê

Ðầu thời Lê vẫn chưa khắc bia, đến 1484 Lê Thánh Tông mới sai Quách Ðình Bảo tìm lại tên tuổi Tiến sĩ các khoa trước để dựng bia ngược lại từ khoa 1442. Từ đó mỗi khoa đều dựng bia. Thời Trung Hưng, vì chiến tranh, rất nhiều khoa không kịp dựng bia, mấy chục năm sau mới cho dựng ngược lại, đặc biệt vào những niên hiệu Thịnh-đức 1 và Vĩnh-thịnh 13 :

1653 Thịnh đức 1, vua Thần Tông cho dựng lại bia 24 khoa : 1554, 1564, 1577, 1580, 1583, 1589, 1592, 1595, 1599, 1602, 1607, 1610, 1613, 1616, 1619, 1623, 1628, 1631, 1637, 1640, 1643, 1646, 1650, 1652.

1716 Vĩnh thịnh 13, vua Dụ Tông cho dựng lại bia 16 khoa : 1656, 1659, 1661, 1664, 1667, 1676, 1680, 1683, 1685, 1688, 1691, 1694, 1697, 1700, 1703.

Khi dựng lại bia, có vị Tiến sĩ đã chết, có người làm quan cao, thì ghi thêm chi tiết về sự nghiệp sau khi thi đỗ. Thí dụ :

1670 (bia dựng năm 1716) Khoa này 31 người đỗ, lúc dựng bia chỉ 3 người còn sống : 1 người đổi ra võ ban giúp việc vương phủ (Yên vương) ; 1 người ở văn ban, cầm quyền địa phương ; 1 người làm đến Thượng thư, đã về trí sĩ.

1673 (bia dựng năm 1716) Khoa này trên 3000 người thi, chỉ có 5 người đỗ. Lúc dựng bia chỉ còn sống sót có Nguyễn Dương Bao, đỗ Tiến sĩ thứ ba, đã từ chức Thượng thư, về trí sĩ.

b - Bia dựng thời Nguyễn

Trừ 3 khoa đầu bia để ở Văn miếu Hà-nội, còn đều để tại Văn miếu ở Huế, bên bờ sông Hương. Tất cả có 36 bia, nay chỉ còn 32 (19).

* BIA TIẾN SĨ

a- Bia thời Lê để ở Văn miếu Hà-nội, xếp hàng hai bên giếng Thiên-quang, có Ðình bia mái ngói che mưa nắng. Trải qua nhiều cơn binh lửa, một số bia đã v" hoặc thất lạc. Thời Quang Trung còn lại 83 bia, năm 1863 chỉ còn 82 bia, cộng với 3 bia thời Nguyễn sơ (1822, 1826, 1829, tạo năm 1831) tổng số còn lại là 85 bia (20). Khoảng những năm '60, '70 phát hiện một bệ rùa đá, dấu tích của một tấm bia bị mất (21).

Bia cao khoảng 1 thước 50, vuông tròn đủ kiểu, đặt trên lưng rùa (ngụ ý lâu bền vì rùa sống lâu). Văn bia thường có hai đầu đề, đầu đề chính ghi ở trán bia, chữ viết theo hàng ngang, đầu đề phụ ở lòng bia, viết theo hàng dọc trước khi vào phần chính văn bia (22).

Văn bia mở đầu bài văn tán dương công đức nhà vua mở khoa thi cho hiền tài có cơ hội tiến thân, lập công danh..., tả sơ qua việc thi cử khoa ấy, mục đích dựng bia và cuối cùng là tên người soạn văn bia, người viết chữ tốt, người khắc và danh sách các Tiến sĩ đỗ mỗi khoa ghi theo thứ bậc.

- Trích bia khoa Ðinh Mùi (1487), Thân Nhân Trung soạn :"Danh và thực phải giống nhau (...). Nếu chỉ khoe văn chương bên ngoài mà thiếu đức hạnh ở trong, kiến thức học hành sai lạc, hạnh kiểm hỏng, danh giá hư thì chỉ làm phiền đá kia thêm vết. Ví như bất trung, bất hiếu thì đục tên đi."

- Trích bia khoa Quý Mùi (1463), Hàn lâm viện Thị giảng, Ðông các Hiệu thư Ðào Cử soạn :"Người đời sau xem tấm bia này sẽ chỉ từng tên mà nói 'Người này tận trung với nước, người này để ơn cho dân, người này đạo nghĩa ngay thẳng, người này giữ đức lập công. Như vậy thật là vinh hạnh. Nếu không, người xem sẽ bảo 'Ðồ quanh co, xằng bậy, tuồng phụ bạc, quân nhát hèn' ".

- Trích văn bia khoa Nhâm Thìn (1592), Lễ bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị giảng, Bạt quận công, Thượng trụ quốc Dương Chí Trạch soạn :"Bề trên đặt khoa thi để thâu tóm hiền tài chứ chẳng phải chỉ là công cụ để thi thố văn chương ; kẻ sĩ dự thi cốt để làm bực thang lập công lao sự nghiệp chẳng phải chỉ để mưu cầu danh lợi. Bởi nền chính trị tốt đẹp của nhà nước không có hiền tài ắt không thể xây dựng được mà kẻ sĩ hào kiệt thì lại phải do khoa cử mới xuất đầu lộ diện (...). Tấm bia này dựng lên bổ ích rất nhiều, đối với người thiện có thể để khuyến khích, đối với kẻ xấu có thể để đe răn, tỏ sự khen chê với đời trước, để lại điều khuyên bảo cho đời sau, giũa mài danh tiết sĩ phu tới trăm nghìn năm, giữ vững vận mệnh nước nhà tới ức muôn thuở".

Một số bia Tiến sĩ ở Văn miếu Hà-nội bị hư hỏng, nhiều chỗ chữ mờ hoặc mất hẳn, đáng tiếc là được "tu bổ" bằng cách trét xi măng lên, san phẳng lì những chỗ chữ bị mờ, vô phương cứu chữa. Thà không "tu bổ", chữ mờ may ra cón đoán được mà khắc lại, không thì để y nguyên, ít nhất cũng "gìn giữ dấu xưa", bảo tồn được vẻ cổ kính.

b - Bia thời Nguyễn để ở Văn miếu Huế chỉ ghi tên tuổi, quê quán Tiến sĩ chứ không có văn bia như ở Văn miếu Hà-nội. Kích thước, trang trí đơn giản hơn : chỉ 15 bia có chạm rồng chầu mặt Trời, hai bên có hoa giây hay mây lửa (23).

* ÐÌNH BIA

Vì bia Việt-Nam khắc chữ nông, lại thêm mưa gió, chiến tranh v.v... nên cái thì chữ mờ, cái thất lạc, cái bị v", thỉnh thoảng nhà nước phải cho tu bổ lại và dựng Ðình bia để che mưa nắng :

1511 Cất nhà bia mới tại hai phía Ðông, Tây Quốc tử giám.

1518 Thiên tử dậy quan Hữu tư xét kỹ những tấm bia nào hư hỏng thì dựng lại, khoa nào chưa có thì dựng lên.

Trích Bài ký về Ðình bia đề danh Tiến sĩ (1863) của Bố chính Hà nội Lê Hữu Thanh (24) :

"Thăng-long là đô thành thuở xưa. Văn miếu là nhà Thái học thuở xưa, bia đề danh Tiến sĩ dựng ở hai bên cổng, từ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Ðại bảo (1442) đến khoa Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh hưng (1779), nay hiện còn 82 tấm, tức chỉ là một phần mười của hàng trăm ngàn năm. Trong đó gió táp, mưa sa, cỏ leo, rêu phủ, nét chữ bị mờ đến hơn mưởi tấm. Bia dựng rải rác, linh tinh, có nhiều chỗ hoen mờ không đọc được hết bài.

Mùa thu năm nay, công việc hơi rỗi, Thanh tôi bèn bàn với quan Tổng đốc và quan Án sát, quy hoạch dựng mỗi bên hai tòa đình ngói, mỗi tòa 11 gian, bia nào dựng rải rác linh tinh thì xếp chỗ đặt lại cho thứ tự, chữ nào mờ thì hiệu đính mà khắc lại, cốt để gìn giữ dấu xưa.

Có người nói :"Văn bia đề danh bắt đầu từ thời Tiền Lê Quang-thuận, ngoảnh đi ngoảnh lại mới ba, bốn trăm năm mà đã bị mất cả chân tướng, nay chỉ còn tham khảo ở Ðăng Khoa Lục, bia đá cũng lở mòn thì dựng đình làm gì ?".

Tôi đáp :"Vật còn hay hỏng là do tại người, gác Ðằng vương, lầu Nhạc Dương chẳng qua cũng chỉ là cảnh trí rong chơi trong một thời, nhưng từ khi có người đứng ra sửa lại, bèn được nổi tiếng ngàn thu. Nhà Thái học có bia là việc tốt đẹp. Dựng lên đình này tưởng cũng là việc quan hệ đến danh giáo. Muốn cho được còn mãi cũng chỉ nhờ ở lẽ phải trong lòng người. Còn nếu chỉ lấy vật mà so với vật thì trong vùng trời đất mông mênh này, vật có hình tất có hoại huống chi là tấm bia, huống chi là ngôi đình !".

Ngày mồng 6 tháng 12, triều vua Tự-Ðức thứ 16 (1863)
Ðệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Tân-Hợi (1851), lĩnh Hà-nội Bố chính sứ Lê Hữu Thanh kính ghi.
Thự hậu quân Ðô thống lĩnh Hà-Ninh, Tổng đốc quan phòng, Tôn Thất Hàn giám định.
Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ lĩnh Hà-nội Án sát sứ Ðặng Tá nhuận sắc
Tú tài thôn An-ninh, huyện Vĩnh-thuận, thuộc viên là Trần Quang Luyện kính viết.
Quan viên văn võ và các nha cúng tiền bạc xây dựng Ðình bia nhà Văn miếu Hà-nội kể rõ như sau... (25)
CHÚ THÍCH
1- VÐLN, 292 - Văn bia, I, 68.

2- Chúa Trịnh Khải, 79-80.

3- Ðình Quảng Văn : Năm 1481 dựng Ðình Quảng Văn ở cửa Ðại hưng (cửa Nam) làm nơi treo pháp lệnh. Ðình ở trong Long thành, trước Phượng lâu, có Ngân câu vòng quanh hai bên, là một tòa nhà vuông không có cửa, xây ở ngã tư đường Cửa Nam, từ đời Hồng đức, là chỗ treo bảng Tiến sĩ.

(Cương Mục XI I, 47 - SKTT I I I, 309 - Bùi Hạnh Cẩn, 70-1)

4- SKTT IV, 248.

5- KMC, 34.

6- Ðại Nam Ðiển Lệ, 373.

7- Thực Lục XI, 41.

8- VÐLN, 221-2.

9- TL, XXVI, 295.

10- Vũ Ngọc Khánh, Giai thoại các vị Ðại khoa VN, 341.

11- Hoàng Ðình Chuyên (1812- ? ) hiệu Liên Ðình. 1848 đỗ Cử-nhân, 1849 đỗ Tiến sĩ thứ 6 trong số 10 người đỗ Tam giáp, không kể 2 người đỗ Nhị giáp, 1850 được cấp văn bằng. Bổ Hàn lâm viện Biên tu năm 1850, thăng bổ Chủ sự Thự Tri phủ Thuận-an. Làm Án sát Tuyên-quang rồi bị giáng xuống Trung thuận đại phu Hồng lô Tự khanh cải thụ Lang Trung nhưng lĩnh Ðốc học tỉnh Ninh-bình.

Hoàng Ðình Tá (1816- ? ) hiệu Liên Ðường, đỗ Cử-nhân năm 1840, năm 1841 đỗ Hoàng giáp (Nhị giáp), đỗ đầu khoa ấy, bổ làm Sơ khảo Nam-định. Năm 1842, được vinh quy và cấp văn bằng năm 1843, bổ Hàn lâm viện Tu soạn, Phân khảo trường Nghệ-an, Tri phủ Nghĩa-hưng, Phụng thành đại phu thăng thụ Ngự sử Ðại Giám sát (Theo gia phả họ Hoàng và sắc chỉ vua ban).

12- Nguyễn Lộc, Nguyễn Du, 70-1.

13- Lê Hiệu, "Niên đại và tác giả tấm biển thơ Nôm ở Văn miếu Quốc tử Giám", Khảo cổ học 1984, tr 201.

14- Sau vua Ðồng Khánh xét lại và cho phục chức (TL XXXVI I I, 38).

15- TL XXXI I I, 63-5.

16- Văn Bia, I, 8.

17- VÐLN, 221-2, 447 - Bia 1442.

18- SKTT IV, 76.

19- Lê văn Hảo và Trịnh Cao Tường, Huế, tr. 90, viết là ở Huế có 6 bia thời Minh Mạng kể từ khoa 1822 trở đi, song theo Văn Bia, I, thì ba khoa đầu nhà Nguyễn bia để ở Văn Miếu Hà-nội.

Ðoạn nói là có "2 bia thời Khải Ðịnh (1816-1828)" không ổn : Trước hết Khải-Ðịnh đã mất từ năm 1925 chứ không phải 1928 (Bảo-Ðại lên ngôi năm 1926), còn Khoa cử thì bãi từ năm 1919, sau đó làm gì có bia Tiến sĩ ?

20- Văn Bia, I, tr.14, 63 - Xem "Bài ký về Ðình bia của Lê Hữu Thanh.

21- Văn Bia, I, tr.14 dựa theo bài của Ðỗ văn Ninh "Về tấm bia thứ 83 ở Văn Miếu", Khảo Cổ Học số 3, 1977 và bài của Trần văn Giáp "Nguyễn Huệ với bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Hà-nội", Nghiên cứu Lịch sử số 46, 1963.

22- Văn Bia, I, 5.

23- Lê văn Hảo & Trịnh Cao Tưởng, Huế, 91.

24- Lê Hữu Thanh sinh năm 1815, xã Thượng-tân, huyện Thanh-quan, Nam-định, đỗ Hoàng giáp.

Năm 1851, làm quan đến Tuần phủ Ninh-bình. Nổi tiếng giỏi văn học từ nhỏ. Tác phẩm : Cách ngôn tạp lục, Khán sơn đình thi văn tập.

25- Văn Bia I, 99-100 - Văn khắc Hán Nôm, 832-3.

KHOA NHÂM TUẤT NIÊN HIỆU ĐẠI BẢO THỨ BA (1442)
BÀI KÝ ĐỀ DANH TIẾN SĨ CỦA THÂN NHÂN TRUNG

Lớn lao thay, Thánh triều ta !

Ðức Thái Tổ Cao Hoàng Ðế là vị Thánh quân trí dũng Trời cho, dựng xây nghiệp lớn, diệt trừ tàn bạo, cứu dân lầm than. Khi vũ công đã ổn định, văn đức liền mở mang, nhằm thu nạp anh tài, đổi mới chính trị. Bèn xuống chiếu cho thiên hạ xây dựng nhà Học, bồi dư"ng hiền tài. Trong kinh đô có Quốc tử giám, ngoài các phủ có Nha Học Chính. Người thân hành chọn con cháu các quan và thường dân tuấn tú vào làm học sinh các cục Nhập thị, Cận thị, Ngự tiền và làm Giám sinh Quốc tử giám. Lại sai quan chuyên trách tuyển rộng trong dân gian lấy con em các nhà lương thiện vào làm Sinh đồ ở các phủ, cử thầy dậy bảo, khắc sách ban cho. Nền tảng bồi dư"ng nhân tài thực là rộng lớn vậy. Còn như cách thi kén kẻ sĩ thì hoặc làm bài Minh kinh, hoặc phú hay luận, hoặc vua ra đề văn sách rồi tùy tài học mà cất nhắc trọng dụng. Thuở ấy tuy chưa đặt tên khoa Tiến sĩ nhưng thực chất việc sùng Nho và phương pháp chọn người thì đại khái đã đủ. Ðặt nền móng thái bình cho muôn đời bắt đầu từ đấy.

Vẻ vang thay Ðức Thái Tông Văn Hoàng Ðế nối nghiệp lớn làm rạng nếp xưa, xem xét nhân văn giáo hóa thiên hạ, coi trọng đạo sùng Nho là việc hàng đầu, cho cầu hiền, kính Trời là mưu kế tốt. Người nghĩ rằng : Mở khoa thi chọn kẻ sĩ là việc phải làm trước hết trong phép trị nước. Tô điểm cơ đồ, mở mang giáo hóa cho đời thịnh trị là nhờ ở đó. Sửa sang chính sự, sắp đặt mọi việc giáo hóa nhân dân, gây phong tục tốt cũng là nhờ ở đó. Các bậc đế vương xưa làm nên sự nghiệp trị bình không ai không theo con đường ấy.

Ðức Thánh Tổ Hoàng Ðế (Lê Thái Tổ) đã định ra mẫu mực nhưng chưa kịp thi hành. Nay chính là lúc phải làm rạng r" đời trước, khuyến khích đời sau. Năm Nhâm Tuất niên hiệu Ðại Bảo thứ ba (1442) bèn mở rộng Xuân vi, họp thi kẻ sĩ. Khi ấy có 450 người ứng thí, qua bốn kỳ, 33 người Trúng cách. Quan chuyên trách kê tên dâng lên, vua sai chọn ngày cho vào đối sách ở sân rồng. Lúc ấy các bề tôi là Lê văn Linh, Thượng thư Tả Bộc xạ, làm Ðề điệu ; Triệu Thái Ngự sử đài Thị Ngự sử làm Giám thí cùng các viên Tuần xước, Thu quyển, Di phong, Ðằng lục, Ðối độc, mỗi người một việc.

Ngày mồng 2 tháng 2, vua ngự điện Hội-anh thân ra đề sách vấn. Sáng hôm sau, các quan Ðộc quyển là bề tôi Nguyễn Trãi, Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ kiêm Trung thư Quốc sử sự ; Nguyễn Mộng Tuân, Trung thư sảnh Trung thư thị lang ; Trần Thuấn Du, Nội mật viện Tri viện sự và Nguyễn Tử Tấn, Quốc tử giám Bác sĩ, nâng quyển đứng đọc, rồi dâng lên vua xem xét định thứ bậc cao thấp. Vua cho Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Như Ðổ đỗ Bảng nhãn, Lương Như Hộc đỗ Thám hoa, bọn Trần văn Huy gồm 7 người đỗ Tiến sĩ và bọn Ngô Sĩ Liên gồm 23 người đỗ Phụ bảng, những danh hiệu này gọi theo đời trước.

Ngày mồng 3 tháng 3 xướng danh, treo bảng để tỏ rõ cho đông đảo sĩ phu thấy sự vẻ vang. Ân ban tước trật để biểu dương, cấp mũ đai y phục để tô điểm, cho dự yến Quỳnh-lâm để tỏ lòng yêu mến, cho ngựa tốt đưa về quê để rõ ý ân cần. Sĩ thứ đất Trường-an đâu đâu cũng tụ tập lại xem, đều ca ngợi Thánh triều chuộng Nho xưa nay ít thấy.

Ngày mồng 4, bọn Trạng nguyên Nguyễn Trực dâng biểu tạ ơn, ngày mồng 9 từ giã bệ ngọc vinh quy. Ðó là khoa đầu tiên của Thánh triều ban ơn long trọng, cho đến nay sĩ phu vẫn còn ca ngợi. Từ đấy về sau Thánh nối Thần truyền vẫn theo lệ cũ.

Mừng nay : Ðức Thánh thượng trung hưng nghiệp lớn, nhân văn mở rộng nền văn hóa, chế độ hoàn toàn đổi mới, tiếng tăm lừng lẫy khắp nơi. Nhất là phép chọn kẻ sĩ thì lại càng lưu ý. Những việc đời trước đã làm nay noi theo và giữ lấy, những việc đời trước chưa đủ nay mở rộng và làm thêm. Sau khi lô truyền, yết bảng, lại dựng đá đề danh để khuyến khích lâu dài. Phép hay, ý tốt đều làm đến nơi đến chốn. Ôi, tốt đẹp thay !

Nay thấy các khoa thi từ niên hiệu Ðại-bảo thứ ba về sau, việc dựng đá đề danh còn thiếu, bọn Quách Ðình Bảo, Thượng thư bộ Lễ, kính vâng lệnh trên đem tên những người đỗ theo thứ bậc khắc vào bia đá và xin đổi Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa làm Tiến sĩ cập đệ, đổi Phụ bảng làm Ðồng tiến sĩ xuất thân, theo thể chế mới. Vua cho lời tâu là đúng, sai bọn Thân Nhân Trung chia nhau làm bài ký.

Kẻ bề tôi này kính vâng lời Thánh, vui mừng khôn xiết. Nghĩ rằng việc dựng bia một khi được cử hành thì ý tốt cầu hiền tài, mưu thịnh trị của Thánh tổ, Thần tông, được lưu truyền lâu dài. Ðó chính là phép lớn để rèn giũa người đời và là điều rất may cho Nho học.

Thần dẫu nông cạn vụng về nhưng đâu dám từ chối, xin kính cẩn chắp tay cúi đầu mà làm bài ký rằng :

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng Thánh đế, Minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưởng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng ngưyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng. Ðã yêu mến cho khoa danh, lại đề cao bằng tước trật. Ban ân rất lớn mà vẫn cho là chưa đủ. Lại nêu tên ở tháp Nhạn, ban danh hiệu Long Hổ, bầy tiệc Văn-hỷ. Triều đình mừng được người tài không có việc gì không làm đến mức cao nhất.

Nay Thánh minh lại cho rằng chuyện hay việc tốt tuy có một thời lừng lẫy nhưng lời khen tiếng thơm chưa đủ lưu vẻ sáng lâu dài cho nên lại dựng đá đề danh đặt ở cửa Hiền quan khiến kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua. Há chỉ là chuộng văn suông, ham tiếng hão mà thôi đâu !

Ôi kẻ sĩ chốn nhà tranh vách lá, thân phận thật nhỏ mọn mà được triều đình đề cao rất mực như thế thì họ phải làm thế nào để tự trọng tấm thân mà ra sức báo đáp ?

Hãy đem họ tên những người đỗ khoa này mà điểm lại. Có nhiều người đã đem văn học, chính sự ra tô điểm cho cảnh trị bình suốt mấy chục năm, được quốc gia tin dùng. Cũng không phải không có những kẻ vì nhận hối lộ mà hư hỏng, hoặc rơi vào hàng ngũ bọn gian ác, có lẽ vì lúc sống họ chưa được nhìn tấm bia này. Ví thử hồi đó được mắt thấy thì lòng thiện tràn đầy, ý xấu bị ngăn chặn, đâu còn dám nẩy sinh như vậy ? Thế thì việc dựng tấm đá này ích lợi rất nhiều : kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho Nhà nước. Thánh Thần đặt ra đâu phải là vô dụng. Ai xem bia nên hiểu ý sâu này".

Thần kính ghi.

Phụng trực Ðại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ, Ðông các Ðại Học sĩ, thần Thân Nhân Trung vâng sắc soạn.
Cẩn sự lang, Trung thư giám Chính tự, thần Nguyễn Tùng vâng sắc viết.
Mậu lâm lang, Kim quang môn Ðãi chiếu, thần Tô Ngại vâng sắc viết triện (đóng ấn).
Hoàng Việt ngày rầm tháng tám, niên hiệu Hồng-đức thứ 15 (1484), dựng bia :

Cho đỗ Ðệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ 3 người :

1. Nguyễn Trực, xã Kiên-khê, huyện Thanh-oai, phủ Ứng-thiên. Ðỗ năm 20 tuổi.

2. Nguyễn Như Ðổ, xã Ðại-lan, huyện Thanh-đàm, phủ Thường-tín. Ðỗ Hội nguyên năm 19 tuổi.

3. Lương Như Hộc, xã Hồng-lục, huyện Trường-tân, phủ Hạ-hồng. Ðỗ năm 22 tuổi.

Cho đỗ Ðệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân 7 người :

1. Trần văn Huy, xã Thái-bạt, huyện Bất-bạt, phủ Thao-giang.

2. Hoàng Sằn Phu, xã Tiên-kiều, huyện Vĩnh-ninh, phủ Thiệu-thiên, 29 tuổi.

3. Nguyễn Hộc, xã Cổ-kinh, huyện Thạch-hà, phủ Hà-hoa, 31 tuổi.

4. Vũ Lãm, xã Tiên-kiều, huyện Kim-động, phủ Khoái-châu.

5. Nguyễn Hữu Phu, xã Sơn-đông, huyện Ðan-Phượng, phủ Quốc-oai, 31 tuổi.

6. Hoàng Cư / Phạm Cư, xã La-phù, huyện Thượng-phúc, phủ Thường-tín.

7. Trần Bá Linh, xã Thị-kiều, huyện Võ-giàng / Võ-ninh, phủ Từ-sơn.

Cho đỗ Ðệ tam giáp Ðồng Tiến sĩ xuất thân 23 người :

1. Ngô Sĩ Liên, xã Chúc-sơn, huyện Chương-đức, phủ Ứng-thiên.

2. Nguyễn Duy Tắc, xã Thiên-đông, huyện Tiên-lữ, phủ Khoái-châu.

3. Nguyễn Cư Ðạo, xã Ðông-khối, huyện Gia-định, phủ Thuận-an.

4. Phan Viên, xã Bàn-thạch, huyện Thạch-hà, phủ Hà-hoa, 22 tuổi.

5. Nguyễn Ðạt, xã Diên-trường, huyện Thanh-đàm, phủ Thường-tín.

6. Bùi Hựu / Hữu, xã Lam-điền, huyện Chương-đức, phủ Ứng-thiên.

7. Phạm Như Trung, xã Lý-nhân, huyện Thanh-lâm, phủ Nam-sách, 30 tuổi.

8. Trần Ðương, xã Triền-thủy, huyện Ðông-an, phủ Khoái-châu.

9. Ngô thế Dụ, xã Khê-nữ, huyện Kim-hoa, phủ Bắc-giang.

10. Khúc Hữu Thành, xã Thiện-tài, huyện Thiện-tài.Ỳ

11. Lê Lâm, xã Hạ-bì, huyện Bất-bạt, phủ Thao-giang .

12. Nguyễn Thiện Tích, xã Tiền-liệt, huyện Bình-Hà, phủ Nam-sách.

13. Nguyễn Nghị, xã Trạc-châu, huyện Thanh-lâm, phủ Nam-sách.

14. Trịnh Thiết Trường, xã Ðông-lý, huyện An-định, phủ Thiệu-thiên. Khoa này ông không nhận chức Ðồng Tiến sĩ vì không được vào ngạch Cập đệ.

15. Trần Bàn, xã Từ-sơn, huyện Quế-dương, phủ Từ-sơn.

16. Nguyễn Quốc Kiệt, xã Tráng-liệt, huyện Ðông-ngàn, phủ Từ-sơn.

17. Nguyễn Anh Mỹ, huyện Vĩnh-lại, phủ Hạ-hồng.

18. Trịnh / Nguyễn Khắc Tuy, làng Sáo-sơn, huyện Vĩnh-ninh, phủ Thiệu-thiên, 30 tuổi.

19. Nguyễn Ðịch / Ngộ, xã Vũ-lục, huyện Ðại-an, phủ Kiến-hưng.

20. Bùi Lôi Phủ, xã Ðào-xá, huyện Phú-xuyên / Phù-vân, phủ Thường-tín, 31 tuổi.

21. Lê Cầu, xã Nam-nguyễn, huyện Phúc-lộc, phủ Quốc-oai.

22. Lê Hiền / Hiển, xã Lạc-thực, huyện Thanh-lâm, phủ Nam-sách.

23. Nguyễn Nguyên Chân / Chẩn, xã Lạc-thực, huyện Thanh-lâm, phủ Nam-sách,18 tuổi. Khoa này ông bất Cập đệ nên từ khước chức Ðồng Tiến sĩ.

Chiết trung từ hai bản dịch trong :
Tuyển tập Văn bia Tiến sĩ, tập I
Lê triều Lịch khoa Tiến sĩ đề danh Bi ký, tập I
THÔNG CÁO CỦA MAI TỔNG ĐỐC GỬI TÂN KHOA TIẾN SĨ HOÀNG ĐÌNH TÁ 
CHO VỀ KINH LĨNH BĂNG CẤP

(Sắc chỉ số 10)

Phiên âm
Lãnh Hà-ninh Tổng-đốc, Tân Lộc Nam, Mai...

Vi bằng cấp sự chiếu đắc tỉnh hạt Tân khoa Tiến-sĩ Hoàng Ðình Tá, tiền kinh ân tứ vinh quy nhị cá nguyệt tự giới hạn tiêu, tiếp bệnh khất giả nhất nguyệt lưu quán điều trị, tư bệnh dĩ thuyên, bẩm khất lãnh bằng tựu đạo đẳng ngữ hợp hành bằng cấp, nghi do lục lai kinh, do Lại bộ đường quan Thính hậu sở, hữu đới (đái) tùy giả tùng tam danh, định thính thông hành tu chí cấp giả.

Hữu bằng cấp thuộc tỉnh Tân khoa Tiến-sĩ Hoàng Ðình Tá chuẩn thử.

Thiệu-Trị tam niên, chính nguyệt, thập nhị nhật
Dịch nghĩa
Lãnh Tổng-đốc Hà-ninh (1), tước Tân Lộc Nam, họ Mai

Căn cứ vào cấp sự (2), xét trong tỉnh hạt có Tân khoa Tiến-sĩ Hoàng Ðình Tá, trước đã từng được ân tứ vinh quy (ở quê) hai tháng đã hết hạn, vì tiếp bị ốm xin tạm lưu một tháng ở quê quán để điều trị. Nay bệnh đã khỏi, bẩm xin lên đường lĩnh bằng, những lời trên hợp với lời xin cấp bằng. Nên theo đường bộ về kinh đến "Thính hậu sở" (3) thuộc đường quan bộ Lại, kèm ba người đi theo đều nghe lệnh thông hành cùng đến với người được cấp bằng.

Bằng cấp bên hữu (4) này chuẩn cấp cho Tân khoa Tiến-sĩ của tỉnh : Hoàng Ðình Tá.
 

Ngày 12, tháng giêng, năm Thiệu-Trị thứ ba (1843)
(1) Hà-ninh : tức Hà-nội và Ninh-bình. Các đời Thiệu-Trị, Tự-Ðức, chức Tổng-đốc Hà-nội kiêm cả tỉnh Ninh-bình, đến thời Tổng-đốc Hoàng Diệu (1883) vẫn thế.

(2) Cấp sự / Cấp sự trung : chức quan phục vụ trong cung đình.

Thời Minh, Thanh ở Trung quốc, Cấp sự trung thuộc Lục khoa.

Ở Việt-Nam, Lục khoa đặt từ thời Lê Nghi Dân, có các chức Ðô Cấp sự trung, trật Chánh Thất phẩm, Chánh Bát phẩm.

Thời Nguyễn là chức Tá nhị cho Ðô sát Ngự sử trong Ðô sát viện, trật Chánh Ngũ phẩm, giữ việc thanh tra hành pháp. Năm Minh-Mệnh 18, đặt Chưởng ấn Cấp sự trung, trật Tòng Tứ phẩm, đưa vào các Bộ, Viện.

(3) Thính Hậu Sở : Nhà chờ đợi quyết định bổ nhiệm của cấp trên.

(4) Bên hữu : tay phải. Vì chữ Hán viết theo hàng dọc từ phải qua trái. Cuối bài, cuối một văn bản nào đó, để ghi chú cho rõ thì viết chữ "Hữu".

(Nguyễn Tiến Ðoàn phiên âm, dịch và chú thích
Vũ Trung ngày 11, tháng XI, 2003)
THÔNG CÁO CỦA BỘ LỄ GỬI TÂN KHOA TIẾN SĨ HOÀNG ĐÌNH CHUYÊN 
CHO VỀ VINH QUY ĐỒNG THỜI CẤP VĂN BẰNG

(Sắc chỉ số 11)

Phiên âm
Lễ bộ vi khâm cấp văn bằng sự chiếu đắc kim khoa Hội thí Trúng cách Hoàng Ðình Chuyên, khâm hậu Ðiện thí sự thanh. Khâm phụng sắc tứ Ðệ Tam giáp Ðồng Tiến-sĩ xuất thân. Tư mông ân tứ vinh quy, triếp thử hợp cấp văn bằng thính hồi Hà-nội tỉnh, Thường-tín phủ, Thanh-trì huyện, Thanh-liệt tổng, Linh-đường xã, Linh-đường thôn nguyên quán.

Ðể tỉnh nhật tiến tương Bộ bằng cụ trình tỉnh quan tri, chiếu trừ khứ hồi ngoại lưu quán nhị cá nguyệt. Hạn tiêu lai kinh do Lại bộ Hậu bổ sở, hữu thử thứ đới (đái) tùy tùng giả ngũ danh, tịnh thính thông hành tu chí khâm cấp giả.

Hữu khâm cấp Ðệ Tam giáp Ðồng Tiến-sĩ xuất thân Hoàng Ðình Chuyên chuẩn thử.

Tự-Ðức nhị niên, nhuận tứ nguyệt, nhị thập ngũ nhật
(Văn bản có đóng dấu "Sắc mệnh chi bảo" của vua bằng vàng, truyền đến đời Bảo-Ðại. Cách mạng tháng 8, 1945 Bảo-Ðại giao lại cho phái đoàn chính phủ lâm thời, do Trần Huy Liệu cầm đầu, vào Huế thu nhận. Con triện này để ở Bảo tàng viện Cách mạng Việt-Nam. Hiện nay ít người được xem lại con dấu đó).
Dịch nghĩa
Bộ Lễ đã kính trọng cấp văn bằng xét được sĩ tử Trúng cách thi Hội khoa này là Hoàng Ðình Chuyên kính đợi để vào Ðiện thí, nay việc đã hoàn thành.

Kính theo sắc ban cho Tam giáp Ðồng Tiến-sĩ xuất thân.

Nay đội ơn nhà vua ban cho vinh quy, đồng thời cấp văn bằng về nguyên quán thôn Linh-đường, xã Linh-đướng, tổng Thanh-liệt, huyện Thanh-trì, phủ Thường-tín, tỉnh Hà-nội. Về đến tỉnh, ngay ngày đó phải xuất trình đầy đủ văn bằng do Bộ cấp, lên quan tỉnh biết. Chiếu theo lệ, trừ những ngày lưu lại ở quê là hai tháng, khi hết hạn phải trở về kinh đô, do bộ Lại thu xếp ở Hậu bổ sở (nơi chờ bổ ngạch quan - ND).

Chuyến đi này được kèm theo 5 người tùy tùng. Tất cả đều về kinh cùng với người được kính trọng cấp bằng.

Văn bản bên hữu này kính trọng chuẩn cấp cho Ðệ Tam giáp Ðồng Tiến-sĩ xuất thân Hoàng Ðình Chuyên.
 

Ngày 24, tháng 4 nhuận năm Tự-Ðức thứ hai (1849)
(Nguyễn Tiến Ðoàn phiên âm, dịch và chú thích
Vũ Trung ngày 11, tháng XI, 2003)